Xây dựng nông thôn mới Huyện Quỳ Hợp

Xây dựng xóm, bản nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng đang được triển khai ở huyện miền núi Quỳ Hợp.
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, thực tế đã khẳng định đây là chương trình thúc đẩy phát triển toàn diện, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn,nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân và từng bước xây dựng Qùy Hợp thành huyện khá nhất nơi miền Tây xứ Nghệ.

QUÝT NGHỆ - HT01
Mùa vụ: tháng 4
Xuất xứ: Xã Minh Hợp , Huyện Quỳ Hợp
Sản lượng: 150 tấn /năm

Đạt tiêu chuẩn: OCOP - 3 sao

Sao chép đường dẫn

"Quýt ngọt lấp lá" trên đất Quỳ Hợp...

Mắt ghép được lấy từ đảo JeJu – Hàn Quốc, thân chủ là cây chanh ba lá của Thái Lan, giống quýt đặc biệt ấy đang “lấp lá” trên đất Quỳ Hợp – Nghệ An. Chủ nhân của vườn quýt chưa chính thức đặt tên, còn tôi thì gọi đó là giống quýt đa quốc gia.

Chủ trang trại quýt Nguyễn Giang Hoài thú nhận, cho đến ngày thu hoạch, ông mới hiểu được câu nói của người xưa “quýt ngọt lấp lá”. Quả quýt thường lấp trong lá để tránh nắng, mãi đến ngày chín thì mới khoe ra, vàng ươm. Giống quýt của ông Hoài quả to, thơm và ngọt thì không chê vào đâu được. Vừa bóc quýt mời khách, ông vừa nói, để có được giống quýt này, tôi như có cơ duyên trời định. Hương quýt thoang thoảng, quyện với câu chuyện về giống quýt đặc biệt, cứ y như chuyện Trạng Bùng đưa giống ngô từ Trung Hoa về Việt Nam, thật hấp dẫn.

Trong nhiều năm miệt mài đi tìm giống cây ăn quả cho vùng đất Quỳ Hợp, ông Hoài đã nhiều lần thất bại. Một lần, được gặp Giáo sư Som Săk, công tác tại Trường Đại học Nông nghiệp Thái Lan, ông đã gợi ý cho ông Hoài về giống quýt ở đảo JeJu của Hàn Quốc. Tiếc là ông không thể cho ông Hoài giống cây ấy, vì nó là “báu vật” của nhà trường. Ông cũng hứa, nếu ông Hoài tìm được mắt ghép, ông sẽ sang Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời nghiên cứu sâu thêm về thổ nhưỡng, khí hậu và các yếu tố khác của vùng Quỳ Hợp. Lời hứa của giáo sư Som Săk như đánh đố ông Hoài. Làm sao để có được giống quýt được coi là “báu vật” đó?

Ông Hoài nhớ ra có người cháu họ đang lao động ở Hàn Quốc. Một kế hoạch tỉ mỉ được ông vạch ra, và rất may mắn là người cháu đã hết lòng ủng hộ. Cậu ấy đồng ý nghỉ việc ở khu công nghiệp, đến đảo JeJu xin vào làm cho một trang trại quýt. Cứ như là cơ duyên trời định, ông bà chủ rất yêu quý người Việt nên đã hết lòng chỉ dạy cho cậu kỹ thuật chăm sóc quýt. Một ngày đẹp trời, chàng thanh niên chân thành ngỏ ý với ông bà chủ về ý định muốn mua giống quýt đem về Việt Nam, để góp phần xoá đói giảm nghèo cho bà con vùng miền Tây Nghệ An. Ông bà chủ nghe vậy thì cảm kích lắm, họ quyết định tặng cho cậu những cành quýt khoẻ nhất, đẹp nhất.

Nhưng làm sao đưa được “báu vật” về nước? Chính ông bà chủ đã bày cho cậu cách gói cành quýt vào khăn bông thấm nước để giữ ẩm. Và nhờ các nhà hàng của người Việt chuyển về nước như chuyển rau, củ… “Đúng ngày 17/7/2017, “báu vật” về đến Quỳ Hợp. Và đúng ngày Đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu ở Thường Châu - Trung Quốc, 27/2/2018, tôi chính thức trồng những gốc quýt đầu tiên tại vùng đất xã Minh Hợp. Cùng với chiến thắng của Đội tuyển U23, tôi có niềm tin mãnh liệt, giống quýt này sẽ thắng lợi ở Quỳ Hợp”, ông Hoài chưa hết mừng vui. 

Ngày 25/12/2020 Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An đã tổ chức Hội thảo khoa học nhiệm vụ “Trồng khảo nghiệm giống quýt Jeju tại tỉnh Nghệ An” tại huyện Quỳ Hợp, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ làm cơ sở để công nhận giống quýt mới. Tham dự hội thảo có ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở khoa học Công nghệ và một số trưởng các phòng thuộc Sở, ông Hà Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia; ông Nguyễn Giang Hoài, Giám đốc Công ty cổ phẩn Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ, là đơn vị triển khai thực hiện khảo nghiệm, đại diện lãnh đạo huyện Quỳ Hợp và các phòng ban, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ. 
Hình 1. Vườn quýt Jeju tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp.            

Quýt Jeju có xuất xứ từ Hàn Quốc, được trồng khảo nghiệm với mô hình 3 ha tại  Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Mật độ cây trồng 1600 cây/ha. Sau thời gian khảo nghiệm 36 tháng, cây quýt Jeju đã chứng tỏ rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đây. Cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất khá cao, cho quả vụ đầu tiên sau 3 năm khoảng 11 tấn/ha. Những năm sau dự đoán có thể cho năng suất 20 tấn/ha. Quả có trọng lớn, trung bình đạt 203,3 g/quả. Số quả/cây trung bình đạt 35 quả. Quýt có vị ngọt thanh, rất được khách hàng chuộng. Giá bán tại vườn từ 70.000-80.000 đ/kg. Thời gian bảo quản quả có thể lên đến 2 tháng ở nhiệt độ phòng. Đây là giống cây ăn quả nhiều ưu điểm, có tiềm năng phát triển tốt ở Quỳ Hợp và những địa phương có điều kiện tương tự. 
Hình 2. Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ chỉ đạo Hội thảo.            

Chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Quốc Thành đề nghị Trung tâm ứng dụng TB KHCN hoàn thiện hồ sơ để đăng ký giống mới và Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia hỗ trợ trong quá trình hoàn thành thủ tục. Đề nghị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ (Công ty) phối hợp với Trung tâm ứng dụng TB KHCN làm vườn cây đầu dòng, tạo giống sạch bệnh cho giống quýt mới. Đồng thời công ty cần thực hiện dự án mở rộng sản xuất để nhân rộng kết quả, tạo sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Theo ông Nguyễn Giang Hoài, giống quýt mới dự kiến sẽ có tên đăng ký là quýt Nghệ HT-01. Lãnh đạo Công ty cam kết thực hiện các dự án tiếp theo để phát triển trồng giống quýtnày, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm cây ăn quả và phát triển KT-XH ở địa phương.

Phạm Xuân Trung, Nguyễn Quang Huy
Trung tâm ứng dụng TB KHCN Nghệ An