Nếu như trước đây, bà con huyện miền núi Quỳ Hợp chỉ quen với việc khai thác dược liệu từ rừng về bán cho thương lái, thì từ năm 2022 đến nay, họ đã biết đưa cây dược liệu quý ở rừng về trồng trong vườn nhà và có nguồn thu nhập ổn định…
Đầu năm 2022, bà Lá Thị Lan ở xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) bắt đầu đưa các loại dược liệu quý ở rừng về trồng trong vườn nhà như: cà gai leo, xạ đen, dây thìa canh, bách bộ, trinh nữ hoàng cung, rau má… Trên diện tích đất vườn gần 1.000 m2 bà Lan chia ra thành nhiều khoảnh khác nhau, chỗ vườn thoáng mát thì trồng rau má, cây dây thìa canh; dưới tán cây ăn quả bà trồng cây bách bộ, cây trinh nữ hoàng cung, dọc bờ ao, ven theo bờ rào bà trồng cây cà gai leo...
Bà Lá Thị Lan cho biết: “Trước vườn này trồng các loại rau vặt, mang đi chợ bán. Thời gian nông nhàn thì vào rừng hái cây thuốc bán cho thương lái nhưng thu nhập bấp bênh. Từ năm ngoái đến nay, được kỹ sư nông nghiệp của Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường hướng dẫn, tôi đưa các giống cây thảo dược về trồng trong vườn nhà thì phát triển rất tốt.
Cho thu hoạch sớm nhất là rau má, đã cắt bán được 2 lứa, mỗi lứa 2 tạ, với giá bán 15.000 đồng/kg thu về 3 triệu đồng, mỗi năm cũng thu hái khoảng 10-12 lứa. Toàn bộ rau má được hợp tác xã bao tiêu. Khoảng cuối năm nay thì cây bách bộ, cây dây thìa canh cũng cho thu hoạch”.
Còn ông Đinh Trọng Sơn ở xóm Cầu Đá, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) lại cải tạo vườn tạp, trồng 2 sào cà gai leo, đến nay đã cho thu hoạch 3 lứa, tổng cộng được 1,8 tấn dược liệu, được nhà máy của hợp tác xã thu mua tại vườn với giá 10.000 đồng/kg, anh thu về 18 triệu đồng.
Anh Sơn phấn khởi: “Trước đây, vườn để hoang hóa, chỉ một góc nhỏ trồng rau còn lại là cây tạp chẳng mang lại thu nhập gì, nhìn lại rậm rạp, muỗi, côn trùng nhiều. Từ 2 năm nay, diện tích vườn đưa vào trồng cà gai leo, vừa có thu nhập lại cải tạo được vườn phong quang, sạch sẽ”.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) có 30 hộ đưa dược liệu từ rừng về trồng ở vườn nhà cho thu nhập khá. Có những hộ vườn rộng, quy hoạch hợp lý, trồng được nhiều loại dược liệu thì cho thu nhập mỗi năm từ 70-100 triệu đồng.
Ông Lá Văn Duy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường ở xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi bao tiêu cho bà con 50 tấn dược liệu với mức giá ổn định, cao hơn thị trường. Ngoài ra, chúng tôi phân công cán bộ chuyên môn hỗ trợ bà con kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và cách thu hoạch hợp lý để cây sinh trưởng tốt, thu hái được nhiều vụ”.
So với các loại cây trồng khác thì cây dược liệu không kén đất, tận dụng được đất ven bờ ao, tường rào, dưới tán cây ăn quả và cả dưới đồi keo. Mặt khác, cây dược liệu là cây trồng lâu năm, trồng 1 lần, nếu chăm sóc tốt thì thu hái được 7-10 năm, không tốn công chăm bón, ít sâu bệnh.
Bên cạnh đó, khi cây dược liệu được thuần hóa thành công trong vườn nhà thì sẽ hạn chế được việc tận thu, tận diệt các dược liệu trong rừng, bảo vệ rừng và tạo sinh kế lâu dài cho bà con.
Ông Chu Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hợp cho biết: “Hiện nay, cây dược liệu đang được chính quyền địa phương quy hoạch, mở rộng. Ban đầu là trồng trong vườn nhà, nếu hiệu quả tốt sẽ nhân rộng ra các vườn đồi, vùng đất cao cưỡng, trồng dưới tán rừng.
Hiện toàn xã đã trồng được 3 ha cây dược liệu các loại, trong năm 2023 sẽ trồng thêm khoảng 5 ha. Mô hình trồng cây dược liệu hướng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa tạo thu nhập ổn định kinh tế cho người dân, vừa bảo tồn các loài dược liệu quý trên địa bàn xã”.